Trong không khí tưng bừng của ngày Khai giảng năm học mới, chiều ngày 15/09/2017, TS. Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Công nghệ Thông tin (CNTT) trường Đại học Thủy Lợi đã có buổi gặp gỡ, nói chuyện thân mật với các Tân sinh viên ngành CNTT tại Cơ sở 2.
Buổi gặp gỡ, trao đổi nhằm giúp các Tân sinh viên có thêm nhiều hiểu biết về ngành nghề mình đang chọn và có những lựa chọn thích hợp trên con đường xây dựng sự nghiệp của bản thân, học tập, rèn luyện, trau dồi tri thức để sẵn sàng hòa nhập, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp – cách mạng công nghệ 4.0 toàn cầu.
Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, thầy đã giới thiệu vài nét về ngành CNTT của trường Đại học Thủy Lợi (nói riêng) và ngành CNTT (nói chung) trong hệ thống đào tạo cả nước. Theo thầy cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 nổ ra, khi nhu cầu tuyển dụng ngày càng tăng thì sự phát triển của lực lượng nhân sự mới cho ngành CNTT lại chưa đạt được tốc độ đồng hành tương xứng. Nếu tăng trưởng nhân lực ngành CNTT chỉ ở mức 8% như hiện nay thì Việt Nam sẽ thiếu khoảng 78.000 nhân lực mỗi năm từ nay cho đến năm 2020 và đến năm 2020 là nửa triệu người. Vì thế, có thể nói rằng nhu cầu việc làm cho ngành CNTT hiện nay là vô cùng rộng mở. Thế nhưng để có thể đạt được mức lương cao, các bạn sinh viên ngoài việc cố gắng học tập chuyên môn còn phải trao dồi các kĩ năng mềm, khả năng ngoại ngữ của bản thân để có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn môi trường làm việc. Thầy Tùng chia sẻ thêm đối với những sinh viên cố gắng học tập và nỗ lực thì chỉ cần năm 4 khi còn trên ghế nhà trường là các bạn có thể bắt đầu kiếm tiền triệu và khi ra trường việc 1 tháng từ 10 triệu trở lên cho bước khởi đầu là 1 con số dễ dàng đạt được! Theo thời gian, số tiền các bạn kiếm được không còn tính bằng VNĐ mà sẽ là USD nếu các em chịu nỗ lực phấn đấu và hết sức làm việc.
Về phía nhà trường, TS. Tùng cho biết : Khoa CNTT của trường Đại học Thủy Lợi được thành lập ngày 19/11/2001 từ việc sáp nhập Trung tâm tin học và Bộ môn Toán học của trường. Khoa có 60 cán bộ, giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy, trong đó có 21 Tiến sỹ và 12 nghiên cứu sinh với năng lực công bố quốc tế tốt. Phần lớn các Tiến sỹ của khoa đều tu nghiệp tại nước ngoài có nền khoa học tiên tiến về CNTT, các giảng viên còn lại của khoa đều có trình độ Thạc sỹ. Về cơ sở vật chất, nhà trường đảm bảo việc trang bị các trang thiết bị đầy đủ trong quá trình học tập của các bạn. Về đào tạo, trường có sự phối hợp với Công ty phần mềm Fsoft thuộc tập đoàn FPT đào tạo khóa học ngắn hạn về Công nghệ thông tin, nhằm trang bị các kiến thức, các kỹ năng lập trình ứng dụng đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó khoa có những hợp tác quốc tế và giao lưu khoa học bền vững với các trường đại học uy tín của Mỹ (Delta University, Arkansas University, Colorado State University), Pháp (Paris 6, IRD, UMMISCO), Trung Quốc (ĐH Thâm Quyến, ĐH Hà Hải, ĐH Vũ Hán… theo các chương trình trao đổi hợp tác nghiên cứu, trao đổi giáo viên và sinh viên.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu, thầy còn cho biết, để đạt được những thành tựu như các bạn mong muốn, bản thân sinh viên khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là những bạn sinh viên năm nhất cần loại bỏ tư tưởng “nghĩ xả hơi sau kì thi THPT Quốc Gia”. Ở môi trường Đại học, việc tự học là vô cùng quan trọng vì các bạn không phải chịu sự quản lý của bố mẹ, sống xa gia đình, vì vậy các bạn phải tự sắp xếp thời gian của chính mình cũng như lập kế hoạch tối ưu cho việc học.
Trong buổi nói chuyện, có rất nhiều bạn Tân sinh viên đã đặt những câu hỏi thiết thực, từ những thắc mắc nhỏ đầy bỡ ngỡ như: Phải có phương pháp và định hướng học tập, thực hành như thế nào để ra trường có việc làm tốt (sinh viên Nguyễn Thái Sơn); Sinh viên cần mua laptop cấu hình thế nào để phù hợp với chuyên ngành (sinh viên Tiếp Sỹ Minh Phụng)… cho đến những câu thắc mắc sâu hơn, tâm huyết và trăn trở cùng Nhà trường như câu hỏi của bạn Lê Thị Tố Quỳnh – một trong những bông hoa của ngành CNTT về sự khác biệt về cơ sở vật chất, thiết bị CNTT giữa hai cơ sở, về giảng viên và chất lượng đào tạo tại Cơ sở 2 có giống cơ sở chính không? Những câu hỏi của các bạn Tân sinh viên ngành CNTT đều được TS. Nguyễn Thanh Tùng tận tình giải đáp.
Thầy cho biết: Để sau này có được một công việc tốt, thì các bạn phải có hồ sơ tốt. Ngay từ năm nhất, các bạn phải học tập, trao dồi kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc nhóm. Đồng thời các bạn nên biết chơi nhạc cụ, biết chơi thể thao để có thể năng động, hòa nhập dễ dàng trong môi trường làm việc. Bên cạnh đó, các bạn phải rèn luyện những đức tính nhỏ nhất như xếp hàng, làm việc đúng giờ, rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, sống có trách nhiệm, có kỉ luật từ đó sẽ dần tạo cho ta một tác phong công nghiệp phù hợp và cần thiết cho xã hội ngày nay. Đặc biệt là phải trao dồi ngoại ngữ, vì đây là điều kiện cần thiết và bắt buộc nếu như các bạn muốn có một việc làm với mức lương cao và muốn học hỏi, làm việc với người nước ngoài. Về việc trang bị laptop phục vụ học tập, thầy nói: Theo thầy, đối với sinh viên năm nhất thì chưa cần dùng đến laptop nhiều, mua laptop ở giai đoạn này là không nên vì các bạn chưa hiểu biết nhiều về ngành CNTT, chưa có sự chọn lựa phù hợp và sớm bị lỗi thời! Thầy khuyên các bạn nên mua laptop khi ở giữa năm 2 sẽ có những lựa chọn tốt hơn. TS. Nguyễn Thanh Tùng cũng cam kết rằng: Cơ sở 2 – Đại học Thủy Lợi đã từng đào tạo ngành CNTT, và các sinh viên tốt nghiệp từ những khóa đó hiện nay đa phần đều thành đạt và có địa vị không nhỏ trong xã hội. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu về việc làm của ngành CNTT, nhà trường đã tiến hành mở lại ngành và trường cam đoan về chương trình đào tạo của Cơ sở 2 và cơ sở chính ngoài Hà Nội đều giống nhau, cơ sở vật chất và trang thiết bị sẽ được đảm bảo đầy đủ trong quá trình học tập của sinh viên.
Buổi nói chuyện kết thúc tốt đẹp với câu nói đầy tâm huyết của thầy Nguyễn Thanh Tùng: “Ai dậy sớm thì đi được xa”, đây chính là một lời động viên hết sức chân tình của thầy gửi đến các bạn tân sinh viên (nói riêng) và các bạn sinh viên Cơ sở 2 – Đại học Thủy Lợi (nói chung) rằng : “Muốn đạt được thành công, các bạn phải có sự nỗ lực ngay từ những bước đầu tiên. Đừng nghĩ rằng tuổi trẻ là mãi mãi và cho mình cái quyền lãng phí nó. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ”.