Trong môi trường đại học, với mỗi sinh viên, khả năng tư duy và nghiên cứu tự học là một yếu tố cốt lõi trong hành trang học thuật. Điều này thể hiện rõ ở các mặt trên giảng đường từ lý thuyết đến thực tiễn, và càng bọc lộ rõ ở các học phần thực hành, trong các đề tài nghiên cứu khoa học.
Cùng phương pháp tiếp cận, nhưng so với việc hoàn thành các học phần tại trường, nghiên cứu khoa học sẽ đi chuyên sâu hơn về một khía cạnh đề tài lựa chọn. Đây là một hoạt động bổ ích và cần thiết cho sinh viên, từ các đề tài sẽ giúp chúng ta hiểu và tiếp cận cụ thể giữa cơ sở lý luận nền tảng và kinh nghiệm thực tế xã hội.
Hiểu rõ ý nghĩa và mục tiêu của vấn đề, hằng năm Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi có hoạt động là Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên, nơi để sinh viên và các thầy cô trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Cuối tuần qua, tại hội trường 202 đã diễn ra Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên năm học 2020-2021 với 03 đề tài xuất sắc đạt giải A:
1. Đề tài: So sánh sự tối ưu giữa hình thức chống thấm đập đất bằng nghiêng chân râng và tường lõi chân khay (SVTH: Huỳnh Phúc Trường – Lớp S19-58C-TL).
2. Đề tài: Lựa chọn hệ số m khi tính thấm cho bản cống lộ thiên (SVTH: Trần Thanh Thiên, Nguyễn Thanh Vũ – Lớp S19-58C-TL).
3. Đề tài: Tìm hiểu quá trình lắp dựng khung nhà thép tiền chế hiện nay (SVTH: Hồ Vũ Cường, Ngô Khải Kỳ – Lớp S19-58CX-D1).
Các đề tài trên được thực hiện bởi các bạn sinh viên năm cuối, đây là khoảng thời gian giúp các bạn nghiên cứu chuyên sâu hơn, đồng thời là cơ hội trao dồi kiến thức và tiếp cận một phần của công nghệ thực tiễn, chuẩn bị hành trang của công việc tương lai. Tại hội nghị, ngoài phần trình bày của sinh viên, quý thầy cô trong hội đồng đã có những đóng góp ý kiến trao đổi cùng hội nghị, giúp các bạn sinh viên định hình rõ hơn về phương pháp tiếp cận và tư duy nghiên cứu, học tập, những mặt tích cực và hạn chế có trong các đề tài.
Thực hiện: Phúc Trường