Trang chủ / Sự kiện / 45 năm hình thành và phát triển Phân hiệu / Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi: 45 năm hình thành và phát triển

Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi: 45 năm hình thành và phát triển

1. Thành lập Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi miền Nam

Ngay sau thống nhất đất nước, nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng phát triển kinh tế ở miền Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, mà công tác thuỷ lợi ở đây còn yếu về cơ sở hạ tầng, sơ sài về tài liệu quan trắc, thiếu hụt về đội ngũ cán bộ khoa học… Theo đề xuất của trường Đại học Thủy Lợi, Ngày 1/4/1976, Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi ra quyết định số 494-QĐ/TC thành lập đoàn công tác của Trường Đại học Thủy Lợi lấy tên là “Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi miền Nam” với mục tiêu phối hợp, hỗ trợ các địa phương phía Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống mới. Đoàn công tác đầu tiên gồm 15 cán bộ giảng viên và hơn 100 tân kỹ sư khoá 12 và 13 vào 6 tỉnh: Quảng Nam – Đà Nẵng, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Gia Lai – Kontum, Đắc lắc và Tp. Hồ Chí Minh.

2. Quá trình hình thành các Đoàn ĐH trong 10 năm đầu

Cuối năm 1976, do yêu cầu phát triển công tác thủy lợi của các tỉnh phía Nam, đặc biệt là vùng đồng bằng Nam Bộ và vùng đất Tây Nguyên trù phú, ngày 24/11/1976 Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi có quyết định số 1745-QĐ/TC giải thể “Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi miền Nam” để thành lập hai đoàn: “Đoàn khảo sát quy hoạch thiết kế Bộ Thủy Lợi” gọi tắt là Đoàn ĐH ở hai vùng Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ trực thuộc Bộ, lấy tên là Đoàn ĐH1 và Đoàn ĐH2.

Từ đây một mô hình đào tạo kết hợp mới ra đời. Với mô hình này, các Đoàn ĐH đã tổ chức thành các đoàn: khảo sát, quy hoạch, thiết kế thủy lợi làm nhiệm vụ kết hợp giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. Các đoàn ĐH là những đoàn công tác có tư cách pháp nhân, là đơn vị cấp 2 của trường, là cơ quan Trung ương hoạt động trên địa bàn các tỉnh có con dấu và tài khoản riêng.

Quyết định số 1745-QĐ/TC ngày 24/11/1976 của Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi về thành lập các Đoàn khảo sát quy hoạch thiết kế Bộ Thủy Lợi, gọi tắt là Đoàn ĐH1 và Đoàn ĐH2

Đoàn ĐH1 đóng ở TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ (Hậu Giang), Long Xuyên (An Giang) với nhiệm vụ điều tra, khảo sát để quy hoạch thiết kế các công trình thủy lợi ở Tây Nam Bộ, giúp sở Thủy Lợi thành phố Hồ Chí Minh làm công tác thủy lợi ở thành phố và thực hiện các đề tài “Nghiên cứu các vấn đề về thủy văn – thủy lực đồng bằng sông Cửu Long, sông Đồng Nai. Bộ phận đóng ở Cần Thơ và Long Xuyên được chuyển thành đoàn ĐH3 đóng ở Cửu Long và Minh Hải (từ tháng 3/1978).

Từ năm 1981 nhiệm vụ của các Đoàn ĐH đã hoàn thành vì thế số lượng của mỗi đoàn giảm xuống còn 20-30 người. Nhiệm vụ của các đoàn thời kỳ này là thực hiện các đề tài khoa học các cấp và thiết kế, thi công các công trình do Bộ thủy lợi hoặc Sở thủy lợi giao cho.

3. Quá trình hình thành các Trung tâm ĐH trong 10 năm tiếp theo

Năm 1986 cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, sau 10 năm hoạt động tại các tỉnh phía Nam. Nhà trường đã nhận thấy ngoài những thành công còn có những bất cập cần phải có sự thay đổi nhất là về tổ chức cần phải có biện pháp khắc phục tình trạng bao cấp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các Đoàn ĐH. Trường Đại học Thủy Lợi đã báo cáo xin phép Bộ Thủy Lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ cũng như hình thức hoạt động của các đoàn ĐH.

Ngày 8/12/1986, Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi đã có quyết định số 598-QĐ/TC về việc đổi tên các đoàn khảo sát Quy hoạch thiết kế thành các “Trung tâm kết hợp đào tạo, nghiên cứu và thực hành khoa học kỹ thuật thủy lợi tại Nam Bộ và Trung Bộ” gọi tắt là Trung tâm ĐH1 và Trung tâm ĐH2.

Quyết định số 598-QĐ/TC Ngày 8/12/1986 của Bộ trưởng Bộ Thủy Lợi về việc đổi tên các đoàn ĐH thành các Trung tâm ĐH1 và ĐH2

Ngày 12/5/1987 Hiệu trưởng trường Đại học Thủy Lợi ra Quyết định số 99-QĐ/TC ban hành “Quy định về tổ chức và hoạt động của các Trung tâm ĐH1, Trung tâm ĐH2”. Theo đó, các Trung tâm có nhiệm vụ sau:

– Tổ chức thực hiện tốt quá trình thực tập và làm Đồ án tốt nghiệp cho sinh viên năm thứ 5; bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giảng viên. Thực hiện tốt các hợp đồng đào tạo Đại học theo yêu cầu của địa phương; bồi dưỡng và đào tạo sau Đại học, trên Đại học theo sự phân công của Nhà trường.
– Tổ chức thực hiện tốt đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ và địa phương.
– Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch phục vụ sản xuất của Bộ giao.
– Tổ chức thực hiện tốt các hợp đồng kinh tế giữa Trung tâm với các địa phương, với các cơ quan sản xuất.
– Có kế hoạch và biện pháp thiết thực để phục vụ công tác thủy lợi ở địa phương.
– Các trung tâm ngoài các nhiệm vụ đã thực hiện trước đây, bắt đầu tổ chức các lớp Đại học Tại chức, tạo điều kiện cho các cán bộ kỹ thuật ở các địa phương có điều kiện nâng cao trình độ chuyên môn.

Những năm từ 1986 đến 1996, các Trung tâm ĐH có những chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu tổ chức, đã có các cơ quan chuyên trách và đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất để phù hợp yêu cầu của giai đoạn mới. Các Trung tâm đã tổ chức theo hướng có các bộ phận chức năng để tham mưu cho Ban Giám đốc, tiến hành xây dựng hoặc mở rộng cơ sở vật chất, hình thành các khu giảng đường, phòng thí nghiệm… mở thêm hình thức đào tạo Tại chức. Đây cũng là giai đoạn mà sự phối kết hợp giữa các Trung tâm với các bộ môn, khoa đặc biệt là khoa Tại chức cũng như các cơ quan có liên quan khác như các Trường Trung cấp Thủy lợi Hội An, Mỹ Tho… được mở ra và ngày càng liên kết chặt chẽ.

4. Cơ sở 2 – Đại học Thủy Lợi: Gần 24 năm phát triển (1997-2020)

Để đáp ứng nhu cầu cán bộ kỹ thuật Thuỷ lợi ở các tỉnh phía Nam ngày càng tăng, tháng 02 năm 1997, Trung tâm ĐH1 và Nhà trường chủ động đề xuất với Bộ Nông nghiệp &PTNT thành lập Cơ sở 2 – Đại học Thuỷ Lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh (Quyết định số 288 NN-TCCB/QĐ, ngày 21/02/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển nông thôn).

Quyết định số 288 NN-TCCB/QĐ, ngày 21/02/1997 của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển nông thôn về thành lập Cơ sở 2 – Đại học Thuỷ Lợi tại Thành phố Hồ Chí Minh

Sự ra đời của Cơ sở 2 là bước ngoặt quan trọng trong công tác đào tạo nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Trường ở các tỉnh phía Nam. Đó cũng chính là kết quả minh chứng cho sự lớn mạnh vượt bậc của các đoàn ĐH, tự đổi mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Sau 20 năm, Cơ sở 2 đã từng bước khẳng định vị trí là cơ sở duy nhất đào tạo ngành thuỷ lợi cho các tỉnh phía Nam, là cơ sở khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến về kỹ thuật thuỷ lợi, thuỷ điện và tài nguyên nước, đồng thời là cơ sở có quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Từ dấu mốc quan trọng này, Cơ sở 2 – Đại học Thủy Lợi đã trở thành trung tâm hàng đầu về đào tạo nguồn nhân lực đại học chất lượng cao và là trung tâm hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo sau đại học với nước ngoài tại khu vực phía Nam. Cơ sở 2 cũng bắt đầu tuyển sinh hệ đại học chính quy đầu tiên, ký hiệu “S1-40…” tương đương khóa 40 của Nhà trường.

Về nhân lực, Cơ sở có đội ngũ gần 100 giảng viên cơ hữu là các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ dồi dào, có truyền thống và bề dày kinh nghiệm. Các giảng viên trẻ hiện này đều được đào tạo từ các nước tiên tiến như: Mỹ, Pháp, Đức, Đan Mạch, Nhật Bản, New Zealand, Nga và Trung Quốc…

Chương trình đào tạo tiên tiến, tiếp cận với chương trình trình đào tạo của các trường đại học quốc tế của Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức. Giáo trình và sách tham khảo của các môn học: Được nhập khẩu từ các trường danh tiếng trên thế giới, chủ yếu là Hoa Kỳ, Hà Lan, Đức. Đào tạo theo học chế Tín chỉ, tăng cường thực hành cho sinh viên, tăng cường rèn luyện tư duy, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng bình luận và phê bình, kỹ năng học tập và làm việc theo nhóm. Các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo từ 1997 đến 2020 gồm: Kỹ thuật Công trình thủy, Kỹ thuật Công trình xây dựng, Kỹ thuật Công trình giao thông, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật Tài nguyên nước và Cấp thoát nước, Công nghệ thông tin, Kế toán.

5. Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi: Xu hướng phát triển tất yếu (Từ 04/03/2020)

Thực hiện quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Thông báo số 1428/TB-BGDĐT-NNPTNT của Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 15/11/2013; Trường Đại học Thủy Lợi đã chuẩn bị Đề án thành lập Phân hiệu từ năm 2015. Ngày 04/03/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 624/QĐ-BGDĐT về việc thành lập Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi. Ngay sau đó, Trường ban hành Quyết định số 699/QĐ-ĐHTL ngày 29/06/2020 về giải thể Cơ sở 2 và sát nhập pháp nhân của Cơ sở 2 vào Phân hiệu.

Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tại phía nam là cơ sở đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về các lĩnh vực Thuỷ lợi, Thủy điện, Nông nghiệp, Khí tượng, Thuỷ văn, Biển, Tài nguyên, Môi trường, Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, Cơ khí, Điện, Công nghệ thông tin, Kinh tế – quản lý và các ngành kinh tế quốc dân khác để phục vụ cho phát triển của đất nước nói chung và của vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Ngoài việc kế thừa toàn bộ thế mạnh về cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, thành tựu khoa học của Cơ sở 2, Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi liên tục phát triển, mở rộng ngành nghề đào tạo ở các hệ, các bậc; Phát triển đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn cao; Lập các dự án đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất. Các ngành đào tạo hệ đại học được mở thêm những năm gần đây là: Công nghệ thông tin, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Sắp tới đây, Phân hiệu tiếp tục lập đề án mở thêm nhiều ngành nghề mới như: Trí tuệ nhân tạo, Thương mại điện tử, Quản trị đô thị thông minh, Quản trị bệnh viện… Về cơ sở vật chất, Phân hiệu đã hoàn thiện dự án nâng tầng khu giảng đường tại Số 2 Trường sa và đang tiếp tục dự án xây dựng mới tòa nhà hành chính 11 tầng cùng với nâng tầng khu ký túc xá sinh viên cũng tại vị trí đắc địa này.

Mặt kết nối doanh nghiệp và quan hệ, hợp tác Quốc tế cũng được đẩy mạnh và mở rộng hơn. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã liên kết chặt chẽ với trường về đào tạo nguồn nhân lực cao, hợp tác nghiên cứu khoa học, triển khai đề tài, dự án phục vụ sản xuất; Trao các phần học bổng lớn cho sinh viên và đón nhận sinh viên ngay khi còn trên ghế nhà trường. Mặt hợp tác quốc tế, với sự vươn lên không ngừng cùng chiến lược phát triển của Nhà trường, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đến nay Phân hiệu đã hợp tác với hơn 30 trường đại học quốc tế có uy tín trên thế giới về đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, các đề tài, dự án và các hội thảo khoa học quốc tế.

Chặng đường 45 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự giúp đỡ của lãnh đạo và nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Tỉnh Bình Dương và các tỉnh khác; Sự giúp đỡ của các cơ quan trong và ngoài ngành; Sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà Trường và bằng sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, Phân hiệu Trường Đại học Thủy Lợi đã thể hiện được vai trò của mình trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực tài nguyên nước cho cả nước nói chung và của vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam, Vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.

Nối tiếp lịch sử vẻ vang, trên chặng đường phía trước với quyết tâm thực hiện thành công chiến lược, đổi mới toàn diện chương trình đào tạo; Trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; Thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao… Chắc chắn rằng, thầy và trò trường Đại học Thủy Lợi nói chung và Phân hiệu nói riêng sẽ gặt hái được những thành công nhiều hơn nữa, vững bước đi lên, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, văn minh.

Lê Trung Thành

Bài Viết Khác

Công bố quyết định bổ nhiệm Phó trưởng bộ môn Kỹ thuật công trình

Sáng ngày 09/3/2023, Phân hiệu Trường Đại học Thủy lợi tổ chức Lễ công bố …