Trang chủ / Kỹ thuật Tài nguyên nước / Thủy Lợi – giá trị còn mãi !

Thủy Lợi – giá trị còn mãi !

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, với khoảng 3,450 sông, suối có chiều dài 10 km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình hằng năm khoảng 830-840 tỷ m3, lượng nước bình quân đầu người trên 9,000 m3/người/năm, và khoảng 63 tỷ m3 tổng trữ lượng tiềm năng nước dưới đất, nếu chỉ nhìn vào những con số nói trên chúng ta sẽ lầm tưởng rằng Việt Nam là quốc gia có tài nguyên nước dồi dào.

Công trình thủy lợi Phước Hòa

Tuy nhiên trên thực tế khi phân tích và đánh giá đặc điểm phân bố lượng nước theo không gian, thời gian cùng nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội trên cả nước và tình trạng ô nhiễm, suy giảm chất lượng nguồn nước ở các lưu vực sông, tình trạng xâm nhập mặn ở các khu vực cửa sông, ven biển, v.v. chúng ta nhận ra rằng nguồn nước của chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều vấn đề, nguy cơ và thách thức. Các kết quả nghiên cứu gần đây ở Việt Nam dự báo với tốc độ tăng dân số hiện nay, lượng nước bình quân đầu người tiếp tục giảm 18-20% sau mỗi thập kỷ. Như vậy, trong vài chục năm tới, thách thức lớn mà Việt Nam sẽ phải đối mặt đó là việc suy giảm và thiếu hụt nguồn nước cho sinh hoạt cũng như nước cho các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia.

Công trình thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé

Trước những vấn đề và tình hình thực tiễn nói trên, với sứ mệnh và vai trò đặc biệt quan trọng của mình, ngành Kỹ thuật Thủy lợi nói chung và Kỹ thuật Tài nguyên nước nói riêng đã và đang có những đóng góp to lớn góp phần giải quyết đồng bộ các vấn đề tài nguyên nước, hóa giải các khó khăn, nguy cơ và thách thức đối với tài nguyên nước hiện tại và trong tương lai của Việt Nam, cụ thể;

  • Giải quyết các vấn đề về mất cân đối nguồn nước giữa các mùa, các vùng và các lưu vực sông, xây dựng kế hoạch và thực hiện cơ chế điều phối, phân bổ nguồn nước, phòng chống tác hại do nước gây ra trong khuôn khổ các vùng, các lưu vực sông trên cả nước;
  • Nâng cao giá trị, hiệu quả trong việc khai thác và sử dụng nguồn nước, theo dõi và giám sát các hoạt động khai thác quá mức làm suy kiệt dòng chảy, bảo vệ tài nguyên nước;
  • Giám sát theo dõi và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước ở các lưu vực sông, đặc biệt là các hoạt động xả nước thải vào nguồn nước, xây dựng cơ chế quản lý và giám sát chặt chẽ, liên tục nguồn thải xả vào nguồn nước.

Ngành Kỹ thuật Thủy lợi và đặc biệt là ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước trong những năm gần đây có thể chưa được nhiều sinh viên quan tâm, đăng ký và lựa chọn theo học, nhưng với sứ mệnh, vai trò và tầm quan trọng của mình, ngành Kỹ thuật Thủy lợi đang và sẽ là một ngành đào tạo quan trọng, đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong việc giải quyết các vấn đề về tài nguyên nước, góp phần to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

TS. Lê Công Chính

Bài Viết Khác

Tăng cường hợp tác giữa Nhà trường với Doanh nghiệp

Hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực đáp …